Tổng điều tra dân số

Tầm quan trọng của công tác lập bảng kê trong Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019

Tầm quan trọng của công tác lập bảng kê trong Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019

12/11/2018 12:49:44 PM | 927

Tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê được quy định trong Luật Thống kê, với chu kỳ thực hiện 10 năm một lần vào các năm có số cuối cùng là số 9. Tổng điều tra dân số và nhà ở là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học và tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng các mục tiêu về tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê, đồng thời cũng là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước.

 

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra từ chuẩn bị xây dựng mạng lưới, thu thập thông tin, kiểm tra và nghiệm thu số liệu, xử lý số liệu đến công bố kết quả Tổng điều tra. Trong đó, áp dụng hai hình thức thu thập thông tin mới, đó là sử dụng thiết bị điện tử di động trong thu thập thông tin và sử dụng phiếu trực tuyến để các hộ dân cư tự cung cấp thông tin thông qua mạng Internet.
Tổng điều tra năm 2019 nhằm mục đích:
(1) Tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học và nhà ở phục vụ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương;

(2) Đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số và nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết;
(3) Cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư thời kỳ 2019 - 2029.
Tổng điều tra dân số và nhà ở là một hoạt động thống kê phức tạp với khối lượng công việc lớn từ công tác thiết kế, chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý, tổng hợp số liệu và công bố kết quả Tổng điều tra. Trong đó, công tác lập Bảng kê hộ là hoạt động thu thập thông tin ban đầu từ các hộ dân cư của Tổng điều tra dân số và nhà ở. Trong bối cảnh Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 không thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra thì Bảng kê hộ cần được đặc biệt quan tâm thực hiện để nâng cao chất lượng thông tin của Bảng kê hộ phục vụ công tác thu thập thông tin. Bảng kê hộ đóng vai trò quan trọng trong quản lý và thực hiện Tổng điều tra; giúp cho cuộc Tổng điều tra được diễn ra thuận lợi, tránh điều tra trùng hoặc bỏ sót địa bàn, hộ và các nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ. Mục đích công tác lập Bảng kê hộ nhằm đảm bảo thống nhất thực hiện tại các địa phương và nâng cao chất lượng thông tin được thu thập trong các Bảng kê hộ.
Mục đích của công tác lập bảng kê có mục đích sau:
- Lập bảng kê hộ là công việc rất quan trọng của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐT 2019), giúp thực hiện TĐT 2019 diễn ra thuận lợi, tránh điều tra không trùng, bỏ sót các hộ dân cư, các diểm dân cư trong xã, phường, thị trấn và các nhân khẩu thực tế thường trú (NKTTTT) tại các hộ. Xây dựng dàn mẫu chủ cho các cuộc điều tra chọn mẫu dân cư giai đoạn 2019-2029.
- Giúp Ban chỉ đạo TĐT các cấp nắm được số lượng thông tin ban đầu về các hộ dân cư địa phương mình quản lý, làm cơ sở lập kế hoạch huy động nguồn lực, tuyển chọn, tập huấn lực lượng tham gia điều tra
- Giúp điều tra viên xác định đúng phạm vi địa bàn điều tra (ĐBĐT) và số hộ được phân công thực hiện thu thập thông tin.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 3296 địa bàn điều tra, trong đó: 2767 địa bàn điều tra hộ và 529 địa bàn đặc thù (có nhân khẩu đặc thù).
Người lập bảng kê phải đến trực tiếp từng ngôi nhà/căn hộ trong ĐBĐT để lập bảng kê. Nội dung lập bảng kê bao gồm các thông tin cơ bản: Số nhà, số hộ, số người là NKTTTT, số NKTTTT là nữ, hộ đăng ký Webform, số điện thoại/ email  của hộ đăng ký Webform (nếu có).
Đối tượng được thực hiện lập bảng kê hộ bao gồm:
- Các ngôi nhà/căn hộ có người ở và những nơi không phải là nhà nhưng có người ở trong phạm vi ĐBĐT.
- Các hộ đang cư trú trong các ngôi nhà/căn hộ/nơi ở trong phạm vi ĐBĐT
- Các NKTTTT của các hộ trong phạm vi ĐBĐT
- Các nhân khẩu đặc thù đang cư trú trong các địa bàn hoặc cơ sở đặc thù.
Sau khi lập bảng kê tại địa bàn xong. Bảng kê hộ được nhập các thông tin của hộ vào cơ sở dữ liệu TĐT 2019 tại Trang Web điều hành của TĐT 2019./.

Phòng Thống kê Tổng hợp-  Cục Thống kê Thái Bình


Bài viết cùng chuyên mục